Năm dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ - Trung

Khi căng thẳng giữa hai cường quốc gia tăng cao từ thương mại đến quân sự, năm dấu hiệu then chốt dưới đây có thể là chỉ báo cho một cuộc đối đầu toàn diện đang đến gần.

Tấn công mạng gia tăng nhằm vào hạ tầng Mỹ

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm đẩy mạnh các cuộc đối đầu trên không gian mạng. Theo giới chức an ninh quốc gia Mỹ, các chiến dịch tấn công mạng tinh vi – nổi bật là Volt Typhoon và Salt Typhoon – đã nhắm vào các cảng, hệ thống cấp nước, sân bay và viễn thông của Mỹ.

Sự gia tăng quy mô và hậu quả của các cuộc tấn công này không chỉ cho thấy khả năng tác chiến mạng của Trung Quốc, mà còn thể hiện rõ quyết tâm sử dụng công nghệ như một mặt trận chiến lược. Đây là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất về nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện trong tương lai.

Gia tăng áp lực không quân lên Đài Loan

Các vụ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan đã đạt mức kỷ lục, với hơn 3.000 vụ chỉ trong năm qua – gần gấp đôi so với năm 2023. Những động thái này phản ánh chiến lược dài hạn của Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền kiểm soát với hòn đảo mà họ coi là một tỉnh ly khai.

Đây không chỉ là hành vi đe dọa, mà còn là cách để Trung Quốc kiểm tra phản ứng từ Washington và các đồng minh. Việc Đô đốc Sam Paparo – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ – được cập nhật hàng ngày về các chuyến bay này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Biển Đông: Điểm nóng tranh chấp chủ quyền

Bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Bắc Kinh đã xây dựng ít nhất bảy đảo nhân tạo và sử dụng chúng làm căn cứ quân sự, thường xuyên triển khai lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển để quấy rối các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines – một đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Việc Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. mở cửa các căn cứ quân sự cho Mỹ là động thái phản ứng mạnh mẽ trước sức ép từ Trung Quốc. Cường độ hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở khu vực này là chỉ dấu quan trọng thứ ba về nguy cơ đối đầu trực diện.

Cuộc chạy đua đóng tàu chiến của Trung Quốc

1 Nam Dau Hieu Canh Bao Nguy Co Bung No Xung Dot My   TrungTàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đóng mới từ 20 đến 30 tàu chiến mỗi năm, nâng tổng số lên hơn 360 – vượt qua Mỹ về số lượng. Dù chất lượng và khả năng chiến đấu còn gây tranh cãi, tốc độ tăng trưởng này phản ánh tham vọng của Bắc Kinh trong việc giành ưu thế trên biển – chiến trường được cho là sẽ quyết định phần lớn cục diện trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ.

Việc theo dõi hoạt động tại các xưởng đóng tàu Trung Quốc, nhất là những đơn vị đóng tàu chiến cỡ lớn và tàu sân bay, sẽ cung cấp cái nhìn rõ nét về mức độ sẵn sàng của họ cho một cuộc chiến quy mô lớn.

Thuế quan và chiến tranh thương mại: Ngòi nổ tiềm tàng

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đã vượt xa mức khẩu chiến, với các đợt áp thuế trừng phạt liên tiếp. Tình trạng này gợi nhớ đến bối cảnh trước Thế chiến II, khi các biện pháp trừng phạt kinh tế dẫn đến hành động quân sự – như vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng sau khi bị cắt nguồn cung dầu mỏ và cao su.

Hiện tại, Trung Quốc đang bắt đầu hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược và nguyên tố đất hiếm – những nguyên liệu thiết yếu cho công nghệ cao và quốc phòng. Động thái trả đũa này không chỉ là biện pháp kinh tế, mà còn là tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ về khả năng leo thang thành xung đột toàn diện.

Lời cảnh báo từ lịch sử

Tác giả bài viết, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ, đồng thời là đồng tác giả của tiểu thuyết "2034: Một cuốn tiểu thuyết về Thế chiến tiếp theo", nhấn mạnh: những thay đổi nhỏ có thể dẫn đến hậu quả toàn cầu. Năm dấu hiệu "đèn vàng" này – tấn công mạng, áp lực lên Đài Loan, hoạt động trên Biển Đông, tốc độ đóng tàu chiến và chiến tranh thương mại – nếu không được kiểm soát, rất có thể sẽ chuyển thành "đèn đỏ", đẩy cả thế giới vào một thời kỳ đen tối.

Bài phân tích của James Stavridis.

Phạm Hương -  Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC (biên dịch)

Ther Bloomberg


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan