Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhìn thấy trật tự thế giới bị lung lay đến tận gốc rễ © Bernd von Jutrczenka/dpa
Chủ tịch ECB kêu gọi tăng cường vai trò quốc tế của đồng euro để đối phó với biến động toàn cầu
Berlin – Trong bối cảnh này, bà kêu gọi châu Âu tận dụng cơ hội để tăng cường sức mạnh của đồng euro, biến nó thành một trụ cột kinh tế vững chắc trong thời kỳ hỗn loạn.
Phát biểu tại Trường Chính sách công Hertie ở Berlin, bà Lagarde nhận định: “Trật tự thế giới đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ nay đang bị chấn động đến tận gốc rễ.” Thay vì hợp tác đa phương, hiện nay thế giới đang chuyển sang tư duy “trò chơi có tổng bằng không” và những cuộc chơi quyền lực song phương.
Dù không nêu đích danh Tổng thống Trump hay các chính sách áp thuế gần đây nhằm vào châu Âu, bà Lagarde rõ ràng ám chỉ đến chúng khi nói rằng: “Chủ nghĩa bảo hộ đang thay thế cho sự cởi mở.”
Bà cũng cảnh báo rằng vai trò thống trị của đồng USD – vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu – đang bị đặt dấu hỏi. Với gần 20% giá trị kinh tế của châu Âu đến từ xuất khẩu và khoảng 30 triệu việc làm phụ thuộc vào xuất khẩu, bất kỳ biến động nào về tiền tệ toàn cầu đều sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực này.
Thời cơ để đồng euro vươn lên
Tuy nhiên, bà Lagarde cũng nhấn mạnh rằng trong khủng hoảng luôn tồn tại cơ hội. “Giờ là thời điểm chín muồi để đồng euro đảm nhận vai trò quốc tế lớn hơn,” bà nói.
Hiện tại, khoảng 20% dự trữ ngoại hối toàn cầu được giữ bằng euro, trong khi đồng USD chiếm khoảng 58%. Kể từ khi Mỹ công bố các gói thuế quan mới, đồng USD đã chịu áp lực, còn đồng euro đã đạt giá trị cao nhất trong hơn ba năm qua so với USD.
Việc tăng cường vai trò quốc tế của đồng euro, theo bà Lagarde, có thể mang lại nhiều lợi ích cho khu vực đồng tiền chung: lãi suất cho vay thấp hơn, hỗ trợ nhu cầu nội địa, giảm tác động từ biến động tỷ giá, và giúp châu Âu đứng vững trước các lệnh trừng phạt kinh tế.
Châu Âu cần củng cố ba trụ cột
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, châu Âu cần tăng cường sức mạnh trên cả ba phương diện: chính trị, kinh tế và pháp lý.
-
Về kinh tế, bà kêu gọi EU thúc đẩy thêm các hiệp định thương mại và hoàn thiện thị trường nội khối, đặc biệt là thị trường vốn.
-
Về quốc phòng, châu Âu cần tăng cường năng lực quân sự để giảm phụ thuộc.
-
Về pháp lý và chính trị, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ pháp quyền và thể hiện sự đoàn kết như một thực thể chính trị thống nhất để có thể chống lại sức ép từ bên ngoài.
“Châu Âu cần trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng vốn toàn cầu,” bà Lagarde khẳng định.
Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC