Chính phủ Pháp 'thoát hiểm' trong gang tấc

Chính phủ Pháp 'thoát hiểm' trong gang tấc

Chính phủ của Tổng thống Macron vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội với tỷ lệ sít sao, sau khi thông qua luật tăng tuổi hưu.

Quốc hội Pháp ngày 20/3 bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo kiến nghị của nhóm nghị sĩ độc lập LIOT, sau khi ông Macron viện dẫn quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật cải cách hưu trí mà không cần Hạ viện bỏ phiếu.

Chính phủ Pháp đã "thoát hiểm" trong gang tấc khi 278 nghị sĩ bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong khi LIOT cần tối thiểu 287 phiếu để kiến nghị được thông qua. Nếu kiến nghị của LIOT có thêm được 9 phiếu ủng hộ, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne sẽ phải từ chức và Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm tân thủ tướng hoặc tổ chức bầu cử.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai, do đảng đối lập cực hữu National Rally (NR) khởi xướng, nhận được ít sự ủng hộ hơn, với 94 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại chính phủ.

Động thái này đồng nghĩa luật cải cách hưu trí do Tổng thống Macron phê chuẩn trước đó bắt đầu có hiệu lực.

1 Chinh Phu Phap Thoat Hiem Trong Gang Tac

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Berlin, Đức hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters.

Phe đối lập đang tiếp tục tìm cách khiếu nại lên Hội đồng Bảo hiến Pháp, cơ quan hiến pháp quyền lực nhất, để tìm cách chặn một phần hoặc toàn bộ luật cải cách hưu trí. Hội đồng Bảo hiến Pháp sẽ có một tháng để đánh giá những ý kiến phản đối với đạo luật.

Tổng thống Pháp Macron hôm 19/3 cho biết ông hy vọng luật cải cách hưu trí do chính phủ ông phê chuẩn có thể hoàn thành "hành trình dân chủ" của nó với sự tôn trọng từ tất cả mọi người khi được quốc hội thông qua.

Chính quyền Tổng thống Macron hôm 16/3 kích hoạt Điều 49.3 trong hiến pháp để "vượt quyền" quốc hội, phê chuẩn luật cải cách hưu trí. Điều 49.3 cho phép chính phủ có thể thông qua một dự luật sau khi họp nội các mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.

Các nghị sĩ có thể đáp trả bằng cách đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị được hơn 50% nghị sĩ tại Hạ viện ủng hộ, dự luật sẽ bị bác bỏ và chính phủ phải từ chức. Nếu không, dự luật được coi là đã thông qua và trở thành luật.

Luật cải cách hưu trí Pháp sẽ nâng tuổi nghỉ hưu ở nước này từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Luật này đã vấp phải phản đối của người dân ngay từ khi được đưa ra hồi năm ngoái.

Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp không đồng tình với nó. Loạt cuộc biểu tình rung chuyển nước Pháp đã xảy ra cuối tuần qua khi người dân xuống đường, đình công để phản đối đạo luật.

Ngọc Ánh (Theo CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan