Lương hưu ở Đức có đủ sống hay không?

Lương hưu ở Đức có đủ sống hay không?

Ngày càng có nhiều người ở Đức lo sợ đến tuổi già. Họ thường tự hỏi xem sau này lương hưu có đủ để duy trì mức sống hay không?

Có thể thấy rõ là hệ thống lương hưu của Đức yếu và khập khiễng, không kể các chính khách, công chức hoặc một bộ phận người hành nghề tự lập.

Cả những người có thu nhập cao cũng chỉ phải đóng phí bảo hiểm hưu trí theo mức lương tối đa là 6350 Euro/tháng. Điều này trút gánh nặng lên những công nhân và nhân viên bình thường có lương không cao. Nhiều người đóng bảo hiểm hưu trí lâu dài, nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu.

Do hoàn cảnh gia đình riêng như nhiều người nghỉ ở nhà để nuôi dạy con, nhưng rồi gia đình tan vỡ dẫn đến ly hôn nên đối với nhiều người cao tuổi, vấn đề trở nên nghèo khi về già vẫn đóng một vai trò lớn.

Nhiều người khi về hưu chỉ nhận được mức lương hưu còm cõi từ 200 tới 400 Euro.

Một số phụ nữ còn may mắn được nhận một phần lương hưu của người chồng quá cố, nên họ có được khoảng 1000 Euro một tháng, cũng vẫn còn rất ít.

old age 957492 640

Ông Frank Hensel, nhân viên của tô chức từ thiện Caritasverand Köln nhận xét:

Thật đáng buồn, những người này đã làm việc lâu năm trong đời, nhưng rồi lương hưu vẫn không đủ phải nhận trợ cấp xã hội tuổi già (Grundsicherung). Thật là đáng xấu hổ. Họ xứng đáng nhận được một mức lương hưu nghiêm chỉnh.

Ở nước ngoài, như ở Thụy Sĩ và Hà Lan thì hệ thống lương hưu khác hẳn và tốt hơn.

Ví dụ như ở Thụy Sĩ, tất cả mọi người, dù là công nhân, nhân viên hành chính, công chức, người hành nghề tự lập… đều đóng khoảng 10% mức lương vào một quỹ lương hưu chung. Sau đó, mỗi người được nhận mức lương hưu từ 1.200 tới 2.400 Euro, tùy theo đóng cao hay thấp.

Những người có thu nhập cao cũng không có mức trần giới hạn phải đóng. Triệu phú hay công nhân đều đóng với tỉ lệ phần trăm tương đương nhau vào quỹ chung. Ngoài ra, ai muốn có thể đóng thêm bảo hiểm tư nhân. Đa số công dân hài lòng với mô hình này.

Tại Đức hiện nay không thể hoặc ít nhất là khó có thể hình dung ra việc áp dụng mô hình này. Mặc dù các chính đảng đều đề cập tới vấn đề lương hưu trong cuộc vận động tranh cử Quốc hội hiện nay, nhưng chưa thể biết kết quả sẽ đi tới đâu.

Nhiều người đã cao tuổi nhưng vẫn phải đi làm thêm vì lương hưu không đủ như bà Rosi Schott ở Berlin, đã 70 tuổi mà vẫn phải đi bán hàng để có thêm thu nhập.

Trước mắt, từ ngày 01/07/2017, lương hưu theo luật định sẽ được tăng 1,9% ở miền Tây nước Đức và tăng tới 3,6% ở miền Đông.

Giáo sư Ute Klammer của trường Đại học Duisburg-Essen nhận xét:

„Tôi tin rằng chúng ta không thể giải quyết vấn đề bảo đảm tuổi già khi có tuổi, mà phải giải quyết phòng ngừa trong thị trường lao động. Như vậy chúng ta phải cố gắng làm sao cho có lương cao hơn, nâng cao cơ hội việc làm, bắt buộc những người trong thị trường lao động phải đóng bảo hiểm“.

 

Văn Long – THOIBAO.DE - Theo báo chí Đức

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan