Gần một nửa người dân Đức ủng hộ cấm đảng AfD sau khi bị xếp loại là cực hữu

Sự đánh giá lại của Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Đức về đảng AfD đã thổi bùng tranh luận về khả năng cấm hoạt động của đảng này. Dù gần một nửa số người dân ủng hộ lệnh cấm, nhiều người vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của biện pháp này đối với nền dân chủ.

1 Gan Mot Nua Nguoi Dan Duc Ung Ho Cam Dang Afd Sau Khi Bi Xep Loai La Cuc Huu

Sau nhiều năm xem xét, Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang đã đưa ra đánh giá mới về AfD. (Ảnh: picture alliance / SZ Photo)

Gần 50% người Đức muốn cấm AfD hoạt động

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu dư luận Insa thực hiện cho báo Bild am Sonntag, sau khi đảng AfD (Sự lựa chọn vì nước Đức) bị xếp vào diện "cực hữu rõ ràng" bởi Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp liên bang, gần một nửa người dân Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cấm hoạt động đảng này.

Cụ thể, 48% người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc cấm AfD, trong khi 37% phản đối. 15% còn lại chưa đưa ra ý kiến. Cuộc khảo sát được thực hiện với 1001 người dân Đức trong hai ngày, từ 2 đến 3 tháng 5 năm 2025.

Đa số người dân xem AfD là đảng cực hữu

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, có tới 61% người tham gia đồng tình rằng AfD là một đảng cực hữu, trong khi 31% không cho là như vậy và 8% không chắc chắn.

Lo ngại tác động tiêu cực đến dân chủ

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ việc cấm AfD khá cao, nhưng người dân Đức vẫn chia rẽ về tác động của một lệnh cấm đối với nền dân chủ.

Chỉ 35% tin rằng điều đó sẽ giúp bảo vệ nền dân chủ, trong khi 39% lo ngại rằng việc cấm một đảng chính trị lại gây tổn hại đến nền dân chủ.

16% cho rằng không có tác động nào và 10% không có ý kiến.

Cơ quan an ninh: AfD có hệ tư tưởng cực đoan, xem thường nhân phẩm con người

Hôm thứ Sáu vừa qua, Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp liên bang đã công bố đánh giá lại sau nhiều năm theo dõi và chính thức xếp toàn bộ đảng AfD vào diện "cực hữu rõ ràng".

Báo cáo nêu rõ lý do là bởi đảng này mang "đặc điểm cực đoan, xem thường phẩm giá con người".

AfD đã bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố sẽ có hành động pháp lý nhằm phản đối quyết định của cơ quan chức năng.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

Theo: ntv.de, raf/AFP


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan