Chưa bao giờ nhiều người trẻ rối loạn ăn uống như bây giờ, lỗi tại mạng xã hội?

Chưa bao giờ nhiều người trẻ rối loạn ăn uống như bây giờ, lỗi tại mạng xã hội?

Số bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn ăn uống đang ngày một trẻ hơn và ở tình trạng nghiêm trọng hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

1 Chua Bao Gio Nhieu Nguoi Tre Roi Loan An Uong Nhu Bay Gio Loi Tai Mang Xa Hoi

Giới chuyên gia cho biết thuật toán của các nền tảng này đã khuyến khích những hành vi rối loạn ăn uống và gây ấn tượng mạnh hơn về hình ảnh cơ thể tiêu cực (ví như gầy gò) - Ảnh (minh họa): NBC News/Getty Images

Đài NBC (Mỹ) ngày 29-4 nêu ra vấn đề từ góc nhìn của chuyên gia với nhận định chung: chưa bao giờ tình trạng rối loạn ăn uống (eating disorder) phổ biến và nghiêm trọng như lúc này ở thanh thiếu niên.

Tỉ lệ rối loạn ăn uống cao nhất mọi thời

Mặc dù bài báo của NBC liên quan tới người trẻ Mỹ, song thực trạng cảnh báo lại là chuyện có lẽ không xa lạ với nhiều bạn tuổi teen Việt Nam. Trong đó đáng chú ý hơn cả là tác hại rất lớn từ mạng xã hội.

Theo Trung tâm Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, số ca nhập viện vì rối loạn ăn uống đã tăng vọt trong dịch COVID-19, tăng gấp đôi ở các em gái vị thành niên.

Mặc dù hầu hết các em sau đó đã có thể trở lại học hành, chơi thể thao, nhưng nhiều chuyên gia Mỹ cảnh báo tình trạng rối loạn ăn uống, đặc biệt là chứng chán ăn tâm thần (anorexia) vẫn đang ở mức cao nhất mọi thời.

"Trẻ em hiện vẫn chưa ổn", bà Melissa Freizinger, phó giám đốc phụ trách chương trình rối loạn ăn uống tại Bệnh viện nhi Boston (Mỹ), cho biết: "Khi đại dịch xuất hiện và sau đó loang ra, chúng tôi cứ nghĩ rồi mọi thứ sẽ tốt hơn trong năm 2022. Rồi mọi thứ sẽ tốt hơn trong năm 2023. Nhưng không phải thế”, bà Melissa Freizinger nói.

Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Trilliant Health, số lượt thăm khám, điều trị liên quan rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi ở những người dưới 17 tuổi trong 5 năm qua ở Mỹ.

Từ năm 2018 đến giữa năm 2022, số lượt thăm khám trong nhóm tuổi này tăng vọt 107,4%, tức là từ khoảng 50.000 lượt vào đầu năm 2018 lên hơn 100.000 lượt vào giữa năm 2022.

Đáng chú ý số ca phải thăm khám vì chán ăn tâm thần tăng 129,26%, đây cũng là nhóm bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh tâm thần.

Theo các chuyên gia, đại dịch đã khiến tỉ lệ lo lắng, trầm cảm tăng lên, đây cũng là hai yếu tố nguy cơ làm phát sinh hay làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn ăn uống.

Bà Melissa Freizinger lưu ý ngay cả sau khi dịch COVID-19 đã thuyên giảm đáng kể, số thanh thiếu niên phải nhập viện vì rối loạn ăn uống vẫn ở mức báo động. Đáng lo hơn khi các triệu chứng thể chất và tinh thần còn nghiêm trọng hơn giai đoạn trước và độ tuổi cũng trẻ hơn.

Lana Elisha Garrido, 17 tuổi, từng phải điều trị chán ăn tâm thần năm 13 tuổi và bị tái phát bệnh này vào tháng 12-2021. Lana cho biết trong suốt 5 tháng điều trị tích cực tại TP Los Angeles năm ngoái, Lana thấy xung quanh có khoảng 20 người bệnh cùng độ tuổi. Điều này rất khác so với hồi vào viện năm 13 tuổi của Lana, khi đó bệnh nhân chủ yếu là người lớn.

Mạng xã hội làm gia tăng rối loạn ăn uống

Thông thường các mối quan hệ gắn kết xã hội chặt chẽ có thể trở thành những nhân tố giúp bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các nguy cơ bị rối loạn ăn uống. Tuy nhiên điều này thay đổi vào năm 2020, khi nhiều nơi bị phong tỏa phòng COVID-19 và người trẻ đột ngột bị cắt đứt các kết nối đó.

Tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh việc không thể tách rời tình trạng rối loạn ăn uống ở người trẻ với ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Theo điều tra của Tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, 84% thanh thiếu niên cho biết đang dùng mạng xã hội và các app phổ biến nhất là YouTube, Snapchat và TikTok.

Trong những năm qua, nhiều phụ huynh đã kiện các công ty mạng xã hội như TikTok, Meta (sở hữu Instagram) và Google (sở hữu YouTube) với cáo buộc đã làm con họ bị rối loạn ăn uống.

Tổ chức Social Media Victims Law Center ở Seatlle đã nộp 3 đơn kiện, 2 với Meta và 1 với TikTok, cáo buộc họ đã làm cho các em gái bị rối loạn ăn uống.

Mặc dù những công ty mạng xã hội đều khẳng định đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực đó, bao gồm cả dán nhãn cảnh báo hoặc hạn chế độ tuổi tiếp cận, song dường như vẫn là chưa đủ.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan