Trung Quốc chi thêm 146 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế: Liệu có đủ?

Trung Quốc chi thêm 146 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế: Liệu có đủ?

Trung Quốc vừa mạnh tay chi thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD), chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng, để vực dậy nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, gói kích thích này chưa đủ để bù đắp những thiệt hại do các đợt phong tỏa dịch Covid-19 và sự sụt giảm của thị trường.

Ngày 24/8, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phác thảo gói chính sách 19 điểm, bao gồm 300 tỷ nhân dân tệ nữa mà các ngân hàng có thể đầu tư vào các dự án hạ tầng, bên cạnh gói 300 tỷ nhân dân tệ đã được công bố hồi cuối tháng 6. Ngoài ra, các chính quyền địa phương cũng sẽ được phân bổ 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt từ những hạn ngạch chưa sử dụng trước đây.

1 Trung Quoc Chi Them 146 Ty Usd De Vuc Day Nen Kinh Te Lieu Co Du

Trung Quốc chi thêm 146 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế (Ảnh: Getty).

Tại một cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố sử dụng "các công cụ có sẵn" để duy trì quy mô chính sách hợp lý một cách kịp thời và dứt khoát, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin.

Theo Bloomberg, các nhà kinh tế dường như không mấy lạc quan về các biện pháp này, trong khi thị trường tài chính phản ứng khá mờ nhạt với thông tin này. Trái phiếu chính phủ 10 năm của Trung Quốc tăng 2 điểm cơ bản lên mức 2,65%. Trong khi chỉ số chứng khoán CSI 300 Index của Trung Quốc cũng tăng không đáng kể.

Các nhà kinh tế đến từ Goldman Sachs Group cho rằng các biện pháp vừa công bố chưa đủ để nâng tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế lên 3% như họ dự kiến.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng nền kinh tế nước này sẽ không bị "ngập" trong các gói kích thích quá mức và Trung Quốc sẽ "thấu chi" về dư địa khiến họ phải sử dụng công cụ chính sách nhiều hơn để bảo vệ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Đây cũng là lập trường thận trọng mà các quan chức nước này đã nhấn mạnh về các gói kích cầu trong năm nay.

Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu và kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle cho rằng, cuộc họp đã gửi đi một thông điệp rằng "đừng kỳ vọng vào những đợt kích thích bổ sung lớn". Ông thêm rằng ngôn ngữ được sử dụng trong thông báo ngụ ý rằng "khả năng áp dụng các công cụ đặc biệt như trái phiếu chủ quyền đặc biệt hoặc tăng thâm hụt ngân sách chính thức đã giảm xuống".

Sự sụt giảm của thị trường bất động sản và việc chậm mở cửa trở lại từ sau các đợt phong tỏa Covid-19 đã khiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% của chính phủ nước này khó đạt được. Các quan chức Trung Quốc đã hạ thấp mục tiêu tăng trưởng trong những tháng gần đây khi họ khăng khăng với chính sách zero-Covid. Theo thăm dò của các nhà kinh tế do Bloomberg thực hiện, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo ở mức dưới 4% trong năm nay.

500 tỷ nhân dân tệ bổ sung từ nguồn trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm nay cũng được cho là nhỏ hơn so với dự đoán của các nhà phân tích. Bởi lượng hạn ngạch chưa sử dụng có thể lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ.

Trong năm nay, các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng tốc phát hành trái phiếu, một nguồn chính để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và đã sử dụng gần 3.650 tỷ nhân dân tệ trong hạn ngạch chính thức được đặt ra hồi đầu năm.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Nomura Holding mà dẫn đầu là ông Lu Ting lại cho rằng những biện pháp này không đủ để "thay đổi cuộc chơi". Điều đó một phần là do lĩnh vực bất động sản nước này vẫn lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Trong các chu kỳ nới lỏng trước đó, bất động sản đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tín dụng giữa hộ gia đình, công ty và chính quyền địa phương.

19 biện pháp này dựa trên một số bước kích thích gần đây như: các ngân hàng chính sách được phân bổ tổng cộng 1.100 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho những dự án hạ tầng kể từ tháng 6; ngân hàng trung ương bất ngờ giảm lãi suất 10 điểm phần trăm vào tuần trước; và hồi tháng 5, Bắc Kinh đã công bố gói hỗ trợ 1.900 tỷ nhân dân tệ trong gói chính sách 33 điểm, bao gồm nhắm mục tiêu vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do hạn hán gây ra, sự hỗ trợ này cũng hướng đến các công ty sản xuất điện quốc doanh. Theo đó, những công ty này sẽ được phép bán 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu. 10 tỷ nhân dân tệ khác cũng sẽ được phân bổ cho lĩnh vực nông nghiệp.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng cam kết tiếp tục cắt giảm chi phí tài chính và đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và các công ty nền tảng.

Theo Bloomberg

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan