„Người Do Thái Nga tháo chạy hàng loạt“ – chảy máu chất xám sang Israel

„Người Do Thái Nga tháo chạy hàng loạt“ – chảy máu chất xám sang Israel

Israel hiện đang trải qua làn sóng nhập cư Nga lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Việc những người Do Thái có trình độ học vấn cao rời khỏi đất nước là một sự báo động đối với Điện Kremlin.

Nga đã có phản ứng. Jerusalem đang bị kẹt vì Moscow có một đòn bẩy quan trọng để gây sức ép.

1 Nguoi Do Thai Nga Thao Chay Hang Loat  Chay Mau Chat Xam Sang Israel

Những người nhập cư Do Thái đến Israel, đây là một bức ảnh từ năm 2016: Cơ quan Do Thái giúp họ rời khỏi đất nước

Nguồn: Ronen Zvulun / REUTERS

Những người nhập cư Do Thái đến Israel, đây là một bức ảnh từ năm 2016: Cơ quan Do Thái giúp người Do Thái ở Nga ra đi

Bà Gershenzon hay nghĩ về việc di tản, nhưng lại xóa bỏ ý tưởng này. Xét cho cùng, Moscow là quê hương của bà, hai trong số ba đứa con của bà vẫn còn đang đi học. Nhưng khi Nga tấn công Ukraine, Katya Gershenzon thấy rõ: “Không còn con đường nào khác, phải ra đi.“

Trong những ngày đầu tiên sau cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2, nhiều tin đồn đã lan truyền, người phiên dịch tiếng Anh và tiếng Pháp 46 tuổ này kể lại. Rằng sẽ có lệnh tổng động viên, rằng nhà nước sẽ đóng cửa đường biên giới. Con trai bà sắp đến tuổi 18 và có nguy cơ bị đẩy vào một cuộc chiến tranh mà họ phản đối.

Bà Gershenzon kể „Tôi rất hoang mang, sợ sẽ không bao giờ gặp lại con mình.“ Ngay trong chuyến bay sau đó bà đã tìm cách cho con ra nước ngoài. Sáu tuần sau những người còn lại của gia đình mới lên đường tới Israel, đây là nước duy nhất mà vào thời điểm đó vẫn còn có các chuyến bay. Israel cũng là nhà nước không có các thủ tục phiền hà đối với các gia đình Do Thái xin nhập cư này.

Nhà nước Do Thái đang trải qua một làn sóng nhập cư từ Nga lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Israel đã thống kê được 21.000 người nhập cư Do Thái từ Nga kể từ đầu cuộc chiến.

Các nhà chức trách Israel ước tính hàng chục nghìn người Nga đã nhập cảnh vào nước này bằng thị thực du lịch, họ muốn tránh chiến tranh và xin giấy phép cư trú tại địa phương. Cũng có khoảng 30.000 người đã có hộ chiếu Israel trước khi nổ ra chiến tranh.

Khoảng 35.000 người Do Thái còn ở Nga đã nộp đơn xin nhập cư vào Israel. Theo luật pháp Israel, bất kỳ ai có ít nhất ông hoặc bà là người Do Thái đều đủ điều kiện nhập quốc tịch Israel. Hiện có khoảng 600.000 người Nga đáp ứng điều kiện này.

Ông Pinchas Goldschmidt, giáo sĩ trưởng của Moscow trong 3 thập kỷ và đã tự mình đến Israel khi bị áp lực buộc phải lên tiếng công khai ủng hộ chiến tranh xâm lược. Goldschmidt nói người ta lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng tăng và nỗi lo sợ Nga sẽ phát triển thành một chế độ độc tài tàn bạo, bị cô lập trên toàn thế giới. "Mọi người sợ bức màn sắt sẽ lại hạ xuống."

Rõ ràng, nỗi sợ hãi này không phải là vô căn cứ: nhiều học giả đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây, trong đó có nhiều người Do Thái, Goldschmidt nói. Moscow cũng muốn phá Cơ quan Do Thái, một tổ chức tư nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ Israel và hỗ trợ người Do Thái trên toàn thế giới di cư đến Israel.

Bộ Tư pháp Nga đã đệ đơn xin lệnh cấm cơ quan Do Thái này hoạt động. Một phiên điều trần đã được tổ chức tại Tòa án quận Moscow vào sáng thứ sáu.

Tại Israel người ta cho rằng động cơ chính của bộ Tư pháp là sự lo sợ về tình trạng chảy máu chất xám. Cơ quan Do thái bị cáo buộc làm tổn hại nền kinh tế và khoa học Nga, do đã giúp các chuyên gia Nga đến Israel. Lịch sử đang lặp lại.Ngay từ thời Liên Xô sự di cư của người Do Thái đã bị hạn chế nghiêm ngặt và được biện minh với nguy cơ chảy máu chất xám.

Sở dĩ nhiều trí thức Nga ra đi vì một phần họ có khả năng về tài chính, lý do thứ hai là biết tiếng Anh, điều này khá hiếm ở nước Nga. Konstantin Smirnow, thầy giáo tiếng Anh ở Moscow, từng học ở Anh cho hay, anh ra đi vì chán ghét chiến tranh, anh đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh bất chấp nguy cơ có thể bị bắt. Tuy nhiên anh tỏ ra nản chí vì „Hầu hết dân Nga tán thành cuộc chiến tranh này.“

Israel tuy không phải là mục tiêu ước mơ của vị thầy giáo trẻ người Do Thái này, tuy nhiên đây là đất nước có nhiều ưu ái cho những người Do Thái nhập cư. Thí dụ Cơ quan Do Thái (Jewish Agency) hỗ trợ tiền mua vé máy bay tới Israel, khi đến nơi họ được cung cấp nhà ở trong thời gian đầu, được hỗ trợ tài chính và học tiếng vv...

Nhiều người ra đi không phải chỉ vì lý do chính trị mà còn vì lý do việc làm. Do các lệnh trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài ở Nga buộc phải ra đi, nhiều người Nga gốc Do Thái đã có hộ chiếu Israel cũng ra đi vì có cơ hội về việc làm.

Khoảng một triệu người Do Thái đã nhập cư vào Israel sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990 đã góp phần vào sự bùng nổ phát triển lĩnh vực công nghệ cao ở Israel. Giờ đây những người nhập cư mới được hưởng lợi từ làn sóng nhập cư trước đây.

Có một lý do khác khiến Nga muốn đập tan Cơ quan Do Thái (Jewish Agency) vào lúc này. Thủ tướng mới của Israel, ông Jair Lapid, khác với những người tiền nhiệm của mình, ông chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Giới quan sát đánh giá hành động của bộ Tư Pháp xin lệnh cấm cơ quan này hoạt động giống như một phát súng cảnh cáo.

Quá trình tố tụng đang diễn ra, Moscow có thêm một số biện pháp để gây áp lực lên Israel. Dù sao thì chính phủ ở Jerusalem cũng đang đi trên một con đường hẹp khá chênh vênh để bảo vệ sự an ninh của đất nước và bị phụ thuộc ít nhiều vào thiện chí của Moscow.

Nga kiểm soát không phận ở quốc gia láng giềng Syria, nơi Israel thường xuyên thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Iran đe dọa biên giới nước này. Đó là lý do tại sao Jerusalem, trong khi cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, không cung cấp vũ khí như các đồng minh phương Tây khác.

Ông Lapid cảnh báo, nếu Moscow thực sự đóng cửa Cơ quan Do Thái ở Nga, đó sẽ là "một sự kiện nghiêm trọng gây hậu quả" cho mối quan hệ Nga-Israel. Ông đã cử một phái đoàn gồm các quan chức ngoại giao cấp cao đến Moscow để hòa giải, nhưng họ đã trở về mà không thu được kết quả nào.

Ở Israel, người ta không có nhiều hy vọng rằng lệnh cấm này sẽ dừng lại. Natan Sharansky, người từng ngồi tù 9 năm ở Liên Xô với tư cách là người bất đồng chính kiến và hiện tại là người lãnh đạo Cơ quan Do Thái ở Jerusalem, đã kêu gọi tất cả người Do Thái ở Nga hãy đến Israel càng sớm càng tốt.

Christine Kensche

Phóng viên Trung Đông

Welt Online

Biên dịch bởi Nguyễn Xuân Hoài


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan