Nga bán dầu thô dưới mức giá trần phương Tây đặt ra, thậm chí rẻ hơn dầu Brent một nửa

Nga bán dầu thô dưới mức giá trần phương Tây đặt ra, thậm chí rẻ hơn dầu Brent một nửa

Hỗn hợp dầu Urals của Nga có giá trung bình là 46,82 USD/thùng, hay 341,8 USD/tấn, trong khoảng thời gian từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-1-2023, nhật báo kinh doanh RBK ngày 16-1 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Nga cho hay.

1 Nga Ban Dau Tho Duoi Muc Gia Tran Phuong Tay Dat Ra Tham Chi Re Hon Dau Brent Mot Nua

Như vậy, giá của dầu Urals Nga được bán dưới mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp lên dầu xuất khẩu của Nga.

Giá dầu Urals cũng bằng khoảng một nửa giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế, được giao dịch ở mức trên 85 USD/thùng vào ngày 16-1.

Vào tháng 12, giá dầu của Nga được cho là đã giảm 1/4 so với tháng trước sau khi EU, các quốc gia G7 và Úc đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5-12.

Động thái này xảy ra theo sau lệnh cấm vận của EU, Mỹ, Canada, Nhật, Anh đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.

2 Nga Ban Dau Tho Duoi Muc Gia Tran Phuong Tay Dat Ra Tham Chi Re Hon Dau Brent Mot Nua

Điểm vận chuyển dầu ở cảng Transneft – Kozmino tại TP Nakhodka, Nga vào ngày 15-11-2017. Ảnh: REUTERS

Theo dữ liệu của RBK, vào tháng 12, giá trung bình của dầu Urals là 50,47 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với giá của mặt hàng này một năm trước đó là 72,71 USD/thùng. Vào tháng 11-2022, giá trung bình hàng tháng của một thùng Ural là 66,47 USD.

Theo nhiều chuyên gia, mức giá trần của phương Tây áp lên dầu Nga như một phần của lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga, ít tác động ngay đến doanh thu từ dầu mỏ của Moscow.

Theo Bộ Tài chính Nga, xuất khẩu dầu khí được dự báo chiếm 42% doanh thu của Nga trong năm 2023 với 11,7 nghìn tỉ rúp (172 tỉ USD), tăng từ 36% hay 9,1 nghìn tỉ rúp (133 tỉ USD) vào năm 2021.

Để đáp trả việc phương Tây áp giá trần dầu Nga, Moscow đã cấm xuất khẩu dầu tới các quốc gia áp dụng giá trần.

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak đã từng nói rằng nhu cầu dầu Nga của các nước vẫn cao bất chấp lệnh trừng phạt áp giá trần của phương Tây.

Ông còn cảnh báo bằng cách áp đặt mức giá trần, các nước phương Tây sẽ khiến giá năng lượng tăng cao hơn nữa do nguồn cung khan hiếm, đồng thời khẳng định Nga coi các loại cơ chế phi thị trường như vậy là không thể chấp nhận được.

Kể từ ngày 5/12/2022, châu Âu đã gần như ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển, đóng sập thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga.

Đồng thời, EU cũng tham gia vào việc áp giá trần đối với dầu thô Nga cùng với các nước G7.

Theo đó, bất kỳ nước nào muốn tiếp cận các dịch vụ của phương Tây để vận chuyển dầu Nga phải đáp ứng yêu cầu mua dầu Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng.

Với việc mất đi thị trường châu Âu, Nga phải tìm đến những khách hàng thay thế khác, đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhưng điều đó đồng nghĩa các tàu chở dầu sẽ phải đi xa hơn nên chi phí vận chuyển cũng cao hơn. Do đó, Nga buộc phải giảm giá dầu mới có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp từ Trung Đông.

Không rõ liệu Nga sẽ phản ứng ra sao trước mức giá thấp như vậy.

Mặc dù họ vẫn cần nguồn thu từ dầu để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nếu giá quá thấp, Moscow có thể phản ứng bằng cách cắt giảm sản lượng. Đây là điều mà nước này cũng đã từng nhấn mạnh trước đó.


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan