Lệnh ngừng bắn và sự rạn nứt giữa Mỹ với Israel

Lệnh ngừng bắn và sự rạn nứt giữa Mỹ với Israel

Việc Mỹ bỏ phiếu trắng hôm 25-3 đã giúp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về ngừng bắn ở Dải Gaza mới nhất được thông qua khi 14 thành viên khác của Hội đồng Bảo an (gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực) đã bỏ phiếu thuận.

1 Lenh Ngung Ban Va Su Ran Nut Giua My Voi Israel

Những đứa trẻ Palestine đứng nhìn một ngôi nhà đổ nát sau loạt không kích của Israel tại Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 24-3 - Ảnh: Reuters

Mặc dù Nhà Trắng trấn an đồng minh Israel rằng cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc không thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, nhưng dù thế, nghị quyết này vẫn báo hiệu sự rạn nứt giữa Washington với chính phủ của Thủ tướng Israel Netanyahu.

Washington thất vọng

Trong các nghị quyết ngừng bắn trước đây vào tháng 10, tháng 12 và tháng 2 của Hội đồng Bảo an, Mỹ đều đã phủ quyết với lập luận chúng không gắn với việc lực lượng Hamas phải thả con tin, và không lên án các cuộc tấn công của Hamas.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn và thả con tin có liên quan với nhau, trong khi Nga, Trung Quốc và nhiều thành viên hội đồng khác ủng hộ lệnh ngừng bắn vô điều kiện.

TIN LIÊN QUAN

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong tháng Ramadan dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững lâu dài".

Họ cũng yêu cầu thả các con tin nhưng không đưa ra thỏa thuận ngừng bắn phụ thuộc vào việc các con tin được trả tự do như Washington đã yêu cầu trước đó.

Văn bản cũng "nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết" về việc mở rộng dòng hỗ trợ nhân đạo vào Gaza và bảo vệ dân thường.

Việc Mỹ bỏ phiếu trắng hôm 25-3 sau ba lần phủ quyết trước đó không chỉ đánh dấu sự rạn nứt mà còn phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Washington trước việc Thủ tướng Netanyahu khăng khăng rằng lực lượng Israel sẽ tiếp tục cuộc tấn công vào Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn, và trước sự cản trở dai dẳng của Israel trong việc vận chuyển viện trợ nhân đạo.

Trong thời gian gần đây, Mỹ - quốc gia được coi là ủng hộ Israel bậc nhất trên chính trường thế giới - đã và đang phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ các đồng minh cũng như đối tác ở Ả Rập và châu Âu vì đã từ chối kêu gọi ngừng bắn sớm trong cuộc chiến ở Gaza, cũng như không có hành động ngoại giao chỉ trích hành vi gây tổn hại dân thường của Israel.

Do đó, thái độ của Washington đối với các chính sách chiến tranh của Tel Aviv dần dần thay đổi trong bối cảnh số người chết ở Gaza ngày càng tăng và sự phản đối cũng tăng theo khi Washington không có khả năng kiềm chế đồng minh Israel thân thiết.

Vào đầu tháng 1-2024, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã cảnh báo Israel "đặt ưu tiên" bắt buộc việc bảo vệ dân thường ở Gaza, và chỉ ra rằng có "khoảng cách giữa ý định bảo vệ dân thường và kết quả thực tế mà chúng tôi (các quan chức) đang nhìn thấy trên thực địa".

Tuy nhiên, con số thương vong dân thường không có dấu hiệu dừng lại. Tính đến nay, hơn 32.000 người dân Gaza đã thiệt mạng, và hơn 74.000 người khác bị thương kể từ sự kiện ngày 7-10 năm ngoái. Hiện nay Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo một nạn đói lớn sắp xảy ra.

2 Lenh Ngung Ban Va Su Ran Nut Giua My Voi Israel

Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc họp

Áp lực bầu cử

Ngoài áp lực từ bên ngoài, chính quyền Tổng thống Biden còn phải đối mặt với áp lực nội bộ căng thẳng phải kiềm chế cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza.

Sự bất đồng quan điểm đối với Israel đặc biệt phổ biến trong giới trẻ Mỹ. Đây là nhóm cử tri mà ông Biden cần vận động cho cuộc tranh cử vào tháng 11 tới, đặc biệt ở các "bang chiến trường" như Michigan - nơi có cộng đồng Ả Rập đang tăng mạnh dân số.

Do đó về mặt thông điệp, nghị quyết này là "tín hiệu mạnh mẽ" đối với Israel rằng: việc thách thức yêu cầu của Mỹ đối với viện trợ nhân đạo sẽ phải nhận hậu quả.

Washington thúc giục Israel không tiến hành cuộc tấn công ở Rafah nhưng Israel nói họ phải tiến vào để tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas còn lại ở đó.

Không chỉ chính quyền ông Biden mất kiên nhẫn với Israel.

Hôm thứ hai, trả lời phỏng vấn báo Hayom (Israel), ông Donald Trump, một đồng minh chính trị thân cận của ông Netanyahu, đã nói: "Ông phải kết thúc cuộc chiến của mình." "Israel phải hết sức cẩn thận, vì các bạn đang mất đi rất nhiều sự ủng hộ của thế giới".

Dĩ nhiên, Israel cũng tỏ thái độ. Quyết định bỏ phiếu trắng của Mỹ đã khiến Thủ tướng Netanyahu hủy bỏ chuyến đi đã lên lịch tới Mỹ của hai cố vấn hàng đầu của ông.

Phái đoàn do Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh quốc gia Tzachi Hanegbi dẫn đầu, dự kiến gặp các quan chức Mỹ đã bị dừng lại.

Bên cạnh nghị quyết của Hội đồng Bảo an, hiện các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian vẫn sẽ tiếp tục ở Doha. Thứ sáu tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã tới Trung Đông lần thứ 6 kể từ khi xung đột xảy ra tại Gaza.

Nghị quyết chỉ là điểm khởi đầu

Nhóm Hamas cho biết họ sẽ chỉ thả những người bị bắt như một phần của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, trong khi Israel nói họ sẽ chỉ thảo luận về tạm dừng chiến tranh.

Chấm dứt hay tạm dừng chiến tranh, hòa bình vĩnh viễn hay lâu dài, phụ thuộc rất lớn vào việc nước Mỹ muốn mình cùng với các đồng minh khác gây sức ép lên Israel và Hamas hay không. Nghị quyết ngừng bắn vừa được thông qua chỉ là điểm khởi đầu.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan