Iran đề nghị hỗ trợ dầu và khí đốt cho châu Âu

Iran đề nghị hỗ trợ dầu và khí đốt cho châu Âu

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oji mới đây nói rằng, nước này đã đề nghị hỗ trợ châu Âu dưới hình thức cung cấp dầu và khí đốt vào mùa đông năm nay.

1 Iran De Nghi Ho Tro Dau Va Khi Dot Cho Chau Au

Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin được đăng trên tờ Iran Front News, Bộ trưởng Oji lưu ý rằng, giá năng lượng đã mất kiểm soát, chỉ ra Đức là một ví dụ và nói rằng các doanh nghiệp ở đó có thể phải đóng cửa vì chi phí năng lượng quá cao.

Quan chức này cho biết Iran có thể giúp giảm áp lực về giá bằng cách xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang châu Âu, song nói rằng châu Âu đã làm điều này với chính họ. Ông cũng dự đoán rằng các khách hàng mua dầu và khí đốt sẽ phải đối mặt với một mùa đông khó khăn trong năm nay.

Trong khi đó, Iran sẽ xuất khẩu nhiều dầu và condensate hơn cho những người mua ở châu Mỹ Latinh và châu Á, cũng như một số khu vực của châu Âu, ông Oji cho hay.

Iran đã mở rộng xuất khẩu dầu của mình bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ trong năm nay, với phần lớn các chuyến hàng có điểm đến Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, dầu thô của Nga đã trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn vì cũng giống như dầu thô của Iran, nó được bán với giá rẻ. Giới phân tích chỉ ra rằng, Iran chỉ đơn giản là hạ giá hơn nữa để duy trì tính cạnh tranh của mình.

"Dầu thô của Iran đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ dầu Urals của Nga trong tháng 7 do các thùng dầu không bị trừng phạt được chào bán với mức giá thấp tương tự. Tuy nhiên, khi chênh lệch giá giữa hai loại nới rộng, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể quay trở lại mua dầu Iran với giá rẻ hơn vào tháng 8", một nhà phân tích của Vortexa cho biết vào đầu tháng này.

Được biết, Liên minh châu Âu đã và đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo trong hơn một năm nay và gần đây đã đệ trình đề xuất cuối cùng đối với cả hai bên.

Một quan chức Mỹ tiết lộ, Iran đã lược bỏ một yêu cầu của mình. Điều này cho thấy một thỏa thuận có thể xảy ra. Tuy nhiên, thông tin này lại được đưa ra ngay sau một báo cáo khác, trong đó Iran cáo buộc Mỹ đã trì hoãn và vẫn chưa có gì chắc chắn.

Việc Iran quay trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ là một chặng đường dài giúp bù đắp những ảnh hưởng của lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với dầu thô Nga, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay.

Bình An

Nguồn: petrotimes.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan