Hội chứng ''COVID kéo dài'' - nguy cơ y tế cộng đồng hậu đại dịch

Hội chứng ''COVID kéo dài'' - nguy cơ y tế cộng đồng hậu đại dịch

Các nhà khoa học nói các nước không nên ảo tưởng có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng khi biến thể Omicron lây lan nhanh hơn nhưng triệu chứng nhẹ hơn.

Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn, nhưng với triệu chứng nhẹ hơn, khiến thế giới đang hi vọng về khả năng sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên các nhà khoa học một lần nữa khẳng định, các nước không nên ảo tưởng có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và cảnh báo: hội chứng COVID kéo dài có thể là nguy cơ y tế cộng đồng lớn hậu đại dịch.

1 Hoi Chung Covid Keo Dai   Nguy Co Y Te Cong Dong Hau Dai Dich

(Ảnh minh họa: Getty)

Hàng loạt nghiên cứu mới nhất cho thấy biến thể Omicron không gây ra các triệu chứng nặng so với những biến thế trước đó khiến tâm lý lo sợ về COVID-19 giảm bớt. Hiện có một số ý kiến còn cho rằng nên cố tình để lây nhiễm COVID-19, với niềm tin khỏi bệnh sẽ có lượng kháng thể ở mức siêu miễn dịch. Tuy nhiên câu chuyện của những bệnh nhân phải đối mặt với hàng loạt các di chứng phụ sau COVID-19 kéo dài cả năm trời là lời cảnh tỉnh về một nguy cơ y tế cộng đồng lớn hậu đại dịch.

“Tôi đã từng leo các ngọn núi cao nhất nhưng sau khi hồi phục COVID-19 lúc nào tôi cũng thấy mệt mỏi. Như việc đi bộ trong công viên cạnh nhà như lúc này cũng khiến tôi thấy cạn kiệt sức lực. Tôi không thể trở lại công việc của mình. Đầu tôi lúc nào cũng váng vất như kiểu bạn bị cảm cúm, đau mỏi cơ và tay tôi nhiều khi không còn cảm giác. Ngày nào cũng phải đối mặt với cảm giác đó, khiến tôi bị suy sụp tinh thần”, một người từng mắc COVID-19 chia sẻ.

Hơn 200 triệu chứng được báo cáo, như thở gấp, đau ngực, ngứa ran và phát ban, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn cơ tim và thần kinh.... là những điều mà các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải về tình trạng hàng triệu người phải vật lộn với cái gọi là “di chứng kéo dài hậu COVID-19”.

Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Anh (NIHS), cứ 10 người thì có 7 người tiếp tục gặp phải các triệu chứng “COVID kéo dài” như mệt mỏi, đau cơ, mất ngủ và khó thở trong 12 tháng sau khi xuất viện. Tình trạng này được cải thiện rất ít trong vòng một năm sau khi ra viện. Những tác động của hội chứng này sẽ cao hơn đối với những người chưa tiêm vaccine, do đó cách tốt nhất để ngăn chặn "COVID kéo dài" là tiêm vaccine.

Trước các ca mắc mới COVID-19 gia tăng chóng mặt, Liên hợp quốc trong tuần qua một lần nữa cảnh báo về góc khuất của đại dịch COVID-19. Giám đốc kỹ thuật Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới Maria Van Kerkhove nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng một tỷ lệ người bị nhiễm virus có thể tiếp tục đối mặt với các tác động lâu dài, được gọi là COVID kéo dài hoặc tình trạng sau COVID-19. Vì vậy, đó là lý do để chúng ta cố gắng ngăn bản thân không bị lây nhiễm. Đừng quên điều này, vì chúng tôi muốn bạn an toàn không bị mắc COVID-19, không diễn tiến nặng, không truyền virus cho người khác và ngăn ngừa nguy cơ phải đối mặt với hội chứng COVID kéo dài”.

PHẠM HÀ

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan