Tính đến ngày 22/1, Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội đang có 66.723 F0 đang phải điều trị. Trong đó, có 56.741 người bệnh cách ly, điều trị tại nhà.
Khi người bệnh cách ly, điều trị tại nhà tăng nhanh, bên cạnh việc phải chuẩn bị một số thuốc và thiết bị thiết yếu, lương thực, thực phẩm… việc vệ sinh nhà cửa cũng rất quan trọng. Ngoài ra, khi cả nhà đã vượt qua Covid thì vệ sinh nhà như thế nào cũng là điều được nhiều gia đình quan tâm.
Khi gia đình có F0 điều trị tại nhà, cần lưu ý có 3 mức độ vệ sinh:
1. Khử khuẩn: Tiến hành khi có F0 ở, sinh hoạt trong 24h đầu tiên.
2. Làm sạch: Khi F0 ở từ 24h đến 3 ngày.
3. Vệ sinh thông thường: Sau 3 ngày khi có F0 ở hoặc xuất hiện tại nhà.
Cụ thể, các gia đình nên thực hiện như sau:
Khử khuẩn: Khi có người bị nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, gia đình cần phải tiến hành khử khuẩn. Chúng ta tiến hành khử khuẩn như sau:
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng dung dịch khử khuẩn trước khi dùng (một số dung dịch khử khuẩn như Chlohexedin, Cloramine B, Sterin…). Chúng ta cần giữ chất khử khuẩn tránh xa tầm tay trẻ em. Sau khi khử khuẩn, chúng ta phải rửa tay với xà phòng và nước trong 20 giây. Người vệ sinh cũng cần rửa tay ngay sau khi tháo găng.
Làm sạch: Thực hiện khi F0 ở từ 24h đến 3 ngày, gia đình có thể dùng chất tẩy rửa thông dụng chứa xà phòng. Chúng ta cần làm sạch các bề mặt hay tiếp xúc hoặc khi cần thiết và sau khi bạn có người đến nhà thăm như tay nắm cửa, bàn, công tắc, tay cầm, bàn bếp. Gia đình cần làm sạch thường xuyên hơn khi có người trong hộ gia đình của bạn khả năng cao bị nhiễm Covid-19.
Vệ sinh thông thường: Thực hiện vệ sinh nhà cửa bằng chất tẩy rửa thông dụng sau 3 ngày khi có F0 ở hoặc xuất hiện tại nhà.
Với các gia đình đang chăm sóc F0 ở phòng riêng:
- Không vệ sinh khi không thực sự cần thiết. Người thân vệ sinh phòng, nhà khi F0 không tự làm được, hạn chế tiếp xúc gần với F0.
- Đeo khẩu trang và yêu cầu F0 đeo khẩu trang trước khi vào vệ sinh.
- Đeo găng tay khi tiến hành vệ sinh và bỏ găng sau khi xong.
- Mở cửa thông thoáng trước khi tiến hành vệ sinh.
- Sau khi dùng bữa: Chúng ta mang găng tay loại bỏ thức ăn thừa, dùng máy rửa bát hoặc rửa bát riêng với xà phòng và nước ấm. Sau khi rửa bát xong tiến hành rửa tay với xà phòng hoặc cồn sát trùng.
- Xử lý rác thải của F0: Gia đình sử dụng túi rác riêng cho F0, buộc túi rác 2 lớp, đi găng tay, bỏ rác đúng nơi quy định, làm sạch tay sau vứt rác.
Theo khuyến cáo của ĐH Y dược TP.HCM, gia đình có thể vệ sinh hằng ngày bằng các sản phẩm có chứa xà phòng hoặc chất tẩy rửa giúp giảm mầm bệnh và nguy cơ lây nhiễm từ bề mặt.
Việc vệ sinh sẽ giúp loại bỏ hầu hết phần tử virus trên bề mặt. Bạn nên vệ sinh kỹ các bề mặt được tiếp xúc thường xuyên: tay nắm cửa, bàn, công tắc… đặc biệt sau khi có khách đến thăm nhà. Khi vệ sinh, gia đình sử dụng sản phẩm vệ sinh phù hợp với từng bề mặt, theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.
Khi nhà có người bị mắc Covid-19, theo khuyến cáo của ĐH Y dược TP.HCM, bạn hãy tiến hành khử khuẩn nhà thường xuyên. Đặc biệt, gia đình cũng nên khử khuẩn trong vòng 24h, sau khi người dương tính với SARS-CoV-2 ghé thăm nhà bạn.
Cách khử khuẩn như sau: Luôn làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Kiểm tra nhãn để biết về trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cần mang để sử dụng các chất tẩy rửa một cách an toàn (như găng tay, kính hoặc kính bảo hộ). Bạn nên vệ sinh các bề mặt bằng các chất lau rửa dùng trong nhà có chứa xà phòng hoặc chất tẩy rửa trước khi khử khuẩn. Ngay sau khi tháo găng tay, người vệ sinh nên rửa tay với xà phòng và nước trong vòng 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn dùng dung dịch sát trùng có chứa tối thiểu 60% cồn.
Đồng thời, gia đình đảm bảo thông gió đủ khi dùng bất kỳ chất khử khuẩn nào bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, dùng quạt để tăng cường lưu thông luồng khí.
Nếu trong nhà có người mắc Covid-19 và họ có thể thực hiện việc vệ sinh, gia đình nên cung cấp dụng cụ vệ sinh và khử khuẩn chuyên dụng cho người bị bệnh. Trong không gian chung, người bị bệnh nên làm sạch và khử - khuẩn các bề mặt và vật dụng sau mỗi lần sử dụng.
Nếu người bệnh không thể thực hiện việc vệ sinh, chúng ta đeo khẩu trang và đề nghị người bị bệnh đeo khẩu trang trước khi vào phòng. Đeo găng tay nếu cần cho sản phẩm tẩy rửa và khử khuẩn của bạn. Chỉ vệ sinh và khử khuẩn khu vực xung quanh người bệnh khi cần thiết (khi khu vực đó bị bẩn) để hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh.
Mở cửa ra vào và cửa sổ, đồng thời sử dụng quạt để tăng cường lưu thông không khí.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y)
Theo VietNamNet
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC