Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden: Khẳng định Mỹ sát cánh với Ukraine để đối phó Nga

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Biden: Khẳng định Mỹ sát cánh với Ukraine để đối phó Nga

Trước bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm 2023 vào tối 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đến cuộc chiến Ukraine, cạnh tranh Mỹ - Trung, kinh tế Mỹ... Ông đang phải đối mặt với sự chia rẽ trong Quốc hội và tình trạng lạm phát cao.

1 Thong Diep Lien Bang Cua Tong Thong Biden Khang Dinh My Sat Canh Voi Ukraine De Doi Pho Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu của mình. Ảnh: CNBC

Tăng cường việc làm ở Mỹ, chiến sự Ukraine, đánh thuế các tỷ phú, nhu cầu gia tăng sản xuất trong nước, sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc là những vấn đề mà Tổng thống Biden cần phải trả lời trong bài phát biểu trước Quốc hội.

Trong bài diễn văn, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn đang kéo dài.

Ông nói: "Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine đến chừng nào còn cần thiết. Chúng tôi đang nỗ lực vì tự do, hòa bình hơn nữa không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Cùng nhau, chúng ta đã làm những gì mà nước Mỹ luôn làm hết mình. Chúng ta đã dẫn đầu, đã gắn kết NATO. Chúng ta đã xây dựng một liên minh toàn cầu để đối phó với Nga. Chúng ta đã sát cánh với người dân Ukraine. Tối nay, Đại sứ Ukraine cũng có mặt ở đây, không chỉ đại diện cho đất nước của bà ấy mà còn đại diện cho lòng can đảm của người dân Ukraine".

Thông điệp Liên bang tối 7/2 là lần đầu tiên kể từ năm 2019, tổng thống và các nhà lãnh đạo quốc hội được phép đưa khách đến dự sự kiện. Sự kiện có sự tham dự của mọi thành viên Hạ viện và Thượng viện, tất cả 9 Thẩm phán Tòa án Tối cao, hầu hết Nội các của tổng thống và đoàn ngoại giao.

Đây cũng là lần đầu tiên ông Biden có bài phát biểu lịch sử trước một Quốc hội bị chia rẽ sau khi đảng Cộng hòa siết chặt quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Tỷ lệ ủng hộ với Tổng thống Biden đang giữ ổn định ở mức 45%, theo cuộc thăm dò gần đây nhất của NBC News.

Bất chấp mức tăng trưởng việc làm kỷ lục và dữ liệu mới cho thấy lạm phát đang chậm lại, người Mỹ vẫn rất bi quan về tình trạng của nền kinh tế. Họ đổ lỗi cho ông Biden về việc tăng lãi suất và lo lắng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Cuộc thăm dò của NBC cho thấy chỉ 36% người trưởng thành ở Mỹ tán thành cách điều hành nền kinh tế của ông Biden.

Ngoài những khó khăn về kinh tế, thời hạn trần nợ vào cuối năm nay cũng là một thách thức đối với Washington. Ông Biden sẽ cần phải đàm phán với đa số đảng viên Cộng hòa mới được bầu tại Hạ viện, những người đã yêu cầu cắt giảm chi tiêu trước khi họ đồng ý thông qua việc tăng trần nợ.

Giữa bài phát biểu của mình, ông Biden đã vô tình khiến các đảng viên Cộng hòa cười ồ lên trong vài giây khi dự đoán rằng Mỹ sẽ vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ "trong ít nhất một thập kỷ nữa".

Mỹ hiện đang tiêu thụ khoảng 1/5 tổng lượng xăng dầu được sử dụng trên toàn thế giới mỗi ngày. Và dữ liệu của chính phủ Biden dự đoán rằng mức tiêu thụ xăng dầu của Mỹ sẽ tăng gần như hàng năm trong 3 thập kỷ tới.

"Hãy đối mặt với thực tế. Khủng hoảng khí hậu không quan tâm bạn thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Đó là một mối đe dọa hiện hữu," ông nói. "Chúng ta có nghĩa vụ, không phải với bản thân mà với con cháu của chúng ta. Nước Mỹ phải đương đầu và vượt qua thách thức".

"Những người bạn Cộng hòa của tôi, nếu chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong nhiệm kỳ trước thì không có lý do gì không thể ở nhiệm kỳ này. Người dân đã gửi đến chúng ta thông điệp rất rõ ràng, đấu tranh vì lợi ích, quyền lực và xung đột sẽ không đưa chúng ta đến đâu. Mục tiêu của tôi là khôi phục lại linh hồn đất nước, xây dụng lại trụ cột của nước Mỹ - tầng lớp trung lưu, và đoàn kết dân tộc", ông Biden nói.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan